Năm 1963, khi nữ nghệ sĩ Bạch Tuyết vừa nhận Huy chương vàng Triển vọng giải Thanh Tâm trong vở Tàn một kiếp hoa (diễn cùng nghệ sĩ Út Trà Ôn trên Sân khấu Thống Nhất) thì soạn giả Hoa Phượng đã tuyên bố: “Bạch Tuyết là Cải lương chi bảo, cô đào này có biệt tài sáng tạo và óc thông minh, sẽ còn tiến xa hơn nữa nếu diễn vai nào do Hà Triều - Hoa Phượng viết”. Có nhiều người cho rằng Hoa Phượng quá đà khi đưa Bạch Tuyết “lên mây”, nhưng ông chỉ cười: “Cứ xem tới tới thì sẽ thấy lời tôi nói không sai”. Và quả thật như vậy, sau đó không lâu, trên trang Báo Kịch Trường của ký giả Phong Vân, cái tên Bạch Tuyết đã được đăng kèm với tên gọi Cải lương chi bảo. Ngay lập tức, Cải lương chi bảo Bạch Tuyết được chấp nhận một cách rộng rãi trên các báo khác và trong quần chúng. Danh hiệu này đã đi cùng với Bạch Tuyết và hàng triệu trái tim khán giả hâm mộ nghệ thuật cải lương suốt hơn 40 năm qua… Vừa vào nghề đã đóng đào chính Bạch Tuyết tên thật là Nguyễn Thị Bạch Tuyết, sinh ngày 24 tháng 12 năm 1945 tại Khánh Bình - Châu Đốc - An Giang. Từ nhỏ, Bạch Tuyết đã có khiếu ca hát tân nhạc, ngâm thơ, mỗi khi nhà trường có văn nghệ, lúc nào Bạch Tuyết cũng được các thầy cô “chấm” lên trình diễn. Trong thời gian đi học, Bạch Tuyết cùng bạn bè thường kéo nhau vào hậu trường sân khấu xem tập tuồng và cũng để xin hình, chữ ký của thần tượng Thanh Nga. Vừa nhìn thấy Bạch Tuyết, Thanh Nga bất ngờ hỏi: “Em có biết hát không?”. “Dạ thưa, em chỉ biết hát tân nhạc thôi” - Bạch Tuyết bẽn lẽn đáp lời. Thanh Nga mỉm cười nói: “Cưng đi hát đi, chị tin rằng cưng sẽ thành công trong nghề nghệ thuật đó”. Những lời nói khích lệ đó trở thành động lực thúc đẩy Bạch Tuyết bước vào nghiệp cầm ca. Chính soạn giả Điêu Huyền đã đích thân đến gặp ba của Bạch Tuyết để xin cho chị đi theo đoàn hát. Cả gia đình hai bên nội ngoại nhất quyết ngăn cản vì cho rằng đi hát là “xướng ca vô loài”. Bạch Tuyết vừa khóc vừa nói với ba mình: “Ba cho con đi hát, ngày nào nổi tiếng thì sẽ về, còn thất bại con sẽ tự kết liễu đời mình để không làm hổ danh gia đình…”. Thấy Bạch Tuyết cương quyết quá ông đành phải chiều theo ý con. Lúc đó, soạn giả Điêu Huyền cũng vừa nhận Bạch Tuyết làm con nuôi, và chính vì sự đỡ đầu này mà khi vào đoàn hát, ít nghệ sĩ và nhân viên trong đoàn dám ăn hiếp chị. Bạch Tuyết vừa bước vào nghề đã may mắn được đóng ngay đào chính, đây là một điều rất hiếm trong nghề cải lương. Số là năm 1961, khi Đoàn Kiên Giang chuẩn bị trình diễn vở tuồng Lá thắm chỉ hồng, cô đào chính đột ngột rời đoàn. Gần tới ngày trình diễn mà đào chính không có, soạn giả Điêu Huyền liền cho Bạch Tuyết thế vào ngay. Ngay buổi diễn đầu, Bạch Tuyết đã làm toàn thể khán giả ngạc nhiên trước lối diễn bi lụy tài tình qua vai cô lái đò Lệ Chi. Khi về Đoàn Thống Nhất diễn với danh ca Út Trà Ôn, tài năng của Bạch Tuyết bật sáng, được trao Huy chương vàng Triển vọng giải Thanh Tâm. Năm 1964, Bạch Tuyết về Đoàn Dạ Lý Hương, do ông bầu Xuân thành lập, chính từ sân khấu này với sự cộng tác của hai soạn giả sáng chói Hà Triều - Hoa Phượng, nhiều vở diễn đã gắn liền với tên tuổi Bạch Tuyết cho đến hôm nay, trong đó vở Nỗi buồn con gái (tức Tần Nương Thất) đã đem về cho Bạch Tuyết giải thưởng: Huy chương vàng Diễn viên xuất sắc giải Thanh Tâm năm 1965. Năm 1966, bầu Xuân mời được Hùng Cường từ Đoàn Kim Chung về Gánh Dạ Lý Hương. Như cá gặp nước, Bạch Tuyết - Hùng Cường trở thành “cặp sóng thần”, thành công trong nhiều vở tuồng: Bạch Hải Đường, Tuyệt tình ca, Cho trọn cuộc tình, Trăng thề vườn Thúy… Bạch Tuyết “đóng đô” ở Đoàn Dạ Lý Hương liên tục 4 năm mà không hề chuyển đổi sang một đại ban nào khác cho dù có nhiều lời mời trọng vọng và quyền lợi gấp đôi. Hai mối tình đẹp Có rất nhiều giai thoại đồn thổi xung quanh chuyện tình cảm Bạch Tuyết với các anh kép diễn chung. Tuy nhiên, mối tình đẹp đầu tiên của chị là với danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang. Năm 1966, Bạch Tuyết đang trong thời kỳ vàng son rực rỡ thì cũng vào năm này, Tam Lang cùng Đội tuyển bóng đá quốc gia dự thi giải Túc Cầu Đông Nam Á tại Mã Lai và đoạt ngôi vị vô địch đem về cho Việt Nam chiếc huy chương vàng. Ba ngày trước lúc Đội tuyển bóng đá miền Nam VN dự Cúp Merdeka 1966, toàn đội bỗng nhận được giấy mời đi xem suất hát của Đoàn cải lương Dạ Lý Hương. Trước giờ kéo màn, đại diện đoàn hát gửi lời cầu chúc đội tuyển “mã đáo thành công”. Cải lương chi bảo Bạch Tuyết bước ra từ cánh gà sân khấu, thay cho câu vọng cổ mùi mẫn là bó hoa tươi thắm đến trao tận tay Phạm Huỳnh Tam Lang khiến danh thủ này phải thốt lên: “Tôi như bị cô ấy hớp hồn khi nhận hoa...”. Đó là lần đầu tiên cả hai gặp nhau và tiếng sét ái tình đã bùng nổ trong tim hai người. Đôi trai tài gái sắc kết hôn năm 1967, nhưng chỉ được ba năm, cuộc tình này đã phải “anh đường anh, tôi đường tôi”. Bạch Tuyết tâm sự: “Hai đứa thương nhau, mà như tuồng cải lương vậy đó. Chúng tôi không có con nên đành phải xa nhau vì anh Tam Lang là người cực kỳ có hiếu với gia đình. Về sau, anh Tam Lang lập gia đình và có một con gái. Hai đứa thương nhau lắm nhưng xa nhau chỉ vì hoàn cảnh thôi. Bây giờ chúng tôi vẫn rất quý nhau”. Bạch Tuyết cũng có một con trai với người chồng về sau, Charles Đức, quốc tịch Pháp, có đến hai bằng tiến sĩ kinh tế ở Pháp và tiến sĩ luật học ở Hà Lan. 29 tuổi, Bạch Tuyết đã thực hiện được điều mơ ước, đó là làm mẹ. Đam mê làm mẹ khiến Bạch Tuyết tạm ngưng các hoạt động trình diễn suốt từ năm 1972 đến năm 1979. Chị cho biết: “Lúc mới gặp gỡ, anh ấy buông lời làm tôi bực tức: Cô là người quá tên tuổi trong lòng công chúng, nhưng trình độ thì chưa xứng đáng với cô. Đó là bi kịch của người nghệ sĩ. Tôi muốn tạo điều kiện để cô lấp đầy khoảng trống kiến thức ấy. Nghe xong, tôi choáng váng vì cảm thấy bị xúc phạm. Nhưng ngẫm nghĩ lại, tôi thấy anh là người trung thực ngay thẳng. Lúc này, tôi nhận ra một phần giá trị của con người là học vấn”. Năm 1998, Bạch Tuyết tốt nghiệp Khoa Đạo diễn ở Viện Hàn lâm sân khấu và điện ảnh tại Sophia - Bungari. Sau đó, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Hoàng gia kịch nghệ Anh quốc. Chị tâm sự: “Tôi cảm ơn chồng tôi, dù bây giờ cả hai chỉ còn là bạn. Chính anh đã định hướng cho tôi một lối đi mà trước đây mẹ tôi từng ao ước, đó là hướng về tri thức. Một con đường đi mãi không bao giờ đến đích”. Lê Quang Thanh Tâm Hồi nhỏ, đọc truyện cổ tích, trong truyện có viết là người hiền không bao giờ chết, vì sẽ được bà tiên tới cứu. Nhưng mà mẹ Cải lương chi bảo Bạch Tuyết quá hiền, tại sao chết mà không ai cứu. Điều đó làm cho chị suy nghĩ hoài, cho đến một lúc, gặp được giáo lý của Phật giáo, thông qua giáo lý nhà Phật, Bạch Tuyết đã tìm được câu trả lời cho những bế tắc của mình.