Nguyễn Siêu, chàng trai Việt sinh năm 1995 và hành trình chinh phục các vị trí công việc trong ngành điện ảnh - truyền hình tại Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học đang nhận được sự hưởng ứng của các bạn trẻ. Trong chặng đường đã qua, cậu bạn đặt ra câu hỏi, bản thân mình là "kền kền" hay "ong nghệ"? Siêu vừa tốt nghiệp loại xuất sắc (GPA: 3.9/4.0) bằng Cử nhân Điện ảnh và Truyền thông tại đại học Vassar, New York (top 12 nước Mỹ) hiện đang làm việc tại Paramount Network ở vị trí Junior Associate Producer-Editor sau khi trải qua một thời gian thực tập tại các công ty: Walt Disney, MTV, Blumhouse... Làm việc nhỏ nhất bằng 100% tâm huyết Mình bắt đầu đi làm tại Paramount từ tháng 7 năm ngoái. Công việc của một sinh viên vừa ra trường, mới chân ướt chân ráo bước vào ngành điện ảnh - truyền hình không có gì to tát: nhận làm mọi việc từ bé nhất khi bất cứ ai trong công ty cần giúp đỡ. Đấy là tổng hợp số liệu trong những cuộn băng ghi hình từ hồi 2008, 2009 để nhập vào kho lưu trữ. Đấy là mang ổ cứng chứa dữ liệu quay phim từ công ty của mình tới các agency đối tác trong New York. Đấy là tải video lên website nội bộ để mọi người duyệt trước khi chiếu lên tivi. Đấy là đi mua dụng cụ văn phòng, đĩa DVD, nước rửa tay, khăn giấy… Trong tháng đầu tiên, đa phần công việc mang tính chất hành chính như vậy. Là một người mới chập chững vào nghề, phương châm của mình luôn là: “Hãy làm việc chăm chỉ như một chú ong nghệ, không ngừng nghỉ, không than vãn”. Kể cả những việc nhỏ nhất thì vẫn phải dồn 100% tâm huyết vào đó. Mình vốn nghĩ, nếu cứ an phận với công việc hiện tại, mặc dù toàn là những việc hành chính không mang tính chất sáng tạo, chỉ cần cần cù và chịu khó, làm đúng mọi việc trong trách nhiệm của mình, thì rồi mọi thứ trong cuộc đời sẽ ra đâu vào đấy. Trách nhiệm của mình khi đó chưa đụng vào mảng sáng tạo chút nào. Tuy nhiên, có một lần tất cả các editors trong công ty đều bận, mà lại có một video từ chương trình Lip Sync Battle cần chỉnh sửa để nộp cho giải Emmy. Mình rút hết can đảm gửi email cho manager của chương trình đó, bảo là mình biết dựng phim, mình giúp được. Ngày hôm ấy, mình bắt tay vào cắt video đầu tiên kể từ khi bắt đầu đi làm. Sau một cái gật đầu của ông manager, ngày hôm sau, mình được giao chuẩn bị 10 video nữa để gửi cho báo chí. Những thứ mình phải edit, cắt gọt thì không có gì to tát, song mình vẫn vui vì được làm một việc có chút gì đó sáng tạo. Ngày đầu tuần kế tiếp, mình chính thức có một ghế trong phòng họp của nhóm Dựng phim. Bàn làm việc cũng được chuyển từ cái cubicle có một màn hình nhỏ, cho tới một edit station có ba màn hình, hai loa và ổ cứng thả ga lưu trữ dữ liệu. Adobe Premiere và Photoshop hoạt động hết công suất. Những công việc hành chính dần bỏ lại phía sau. Một con “kền kền” là một kẻ cơ hội, sáng mắt nhảy tới khi kẻ khác đang không ở trong hoàn cảnh có lợi nhất để trục lợi cho bản thân. Có được công việc mình yêu thích, làm được những thứ mình đam mê, nhưng nhiều khi tĩnh lại mình vẫn tự hỏi: “Quãng thời gian qua, mình đã làm việc như một chú ong nghệ, hay thực chất chỉ là một con kền kền?” Và có lẽ câu trả lời là cả hai. Nếu không cần cù và chịu khó, mình có thể đã bị thôi việc từ tháng 9 năm ngoái. Nếu không cần cù và chịu khó, mình sẽ không xem kỹ từng khung hình và có thể đã mắc lỗi nào đó trong video gửi cho lễ trao giải Emmy, có lẽ tới bây giờ vẫn chưa được gia nhập nhóm Dựng phim. Nếu không tỉ mẩn đọc 500 trang kịch bản, soạn danh sách nhân vật hơn 50 người, danh sách hơn trăm cảnh quay cùng hàng chục địa điểm quay, rồi xem hơn 10 tiếng video cả trong lẫn ngoài giờ làm trong 2 tuần làm hộ công việc cho chị trợ lý dựng phim, chắc chẳng ai sẽ chào đón mình vào dự án. Mình vẫn tin thái độ là quan trọng nhất. Bất kể việc nhỏ hay việc lớn, bất kể làm trong trách nhiệm của mình hay chỉ làm giúp cho người khác, mình vẫn phải dồn 100% sự tập trung cho việc mình đang làm.