Thưa Thứ trưởng, Tổ chức Lao động quốc tế(ILO) dùng những chỉ tiêu nào để đánh giá chất lượng nguồn lao động? Để đánh giá chất lượng nguồn nhân lực người ta phải dùng rất nhiều chỉ tiêu, không phải một chỉ tiêu đơn lẻ là có thể đo lường được nó. Đối với ILO, tôi thấy ít nhất có hai bộ chỉ tiêu đã được sử dụng. Bộ chỉ tiêu thứ nhất là nằm trong bộ Các chỉ tiêu chính của thị trường lao động- Key Indicators of Labour Market do ILO công bố hàng năm đối với khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong bộ chỉ tiêu này, chỉ tiêu số 14- Trình độ cao nhất đạt được và tình trạng mù chữ của lực lượng lao động. (Educational attainment and illiteracy) phân loại lao động từ không được đi học, học tiểu học, trung học cho đến thạc sĩ, tiến sĩ. Việc chỉ tính trình độ đào tạo cao nhất cho phép không tính trùng khi người lao động tham gia nhiều trình độ đào tạo khác nhau, mỗi người lao động qua đào tạo chỉ tính một lần và phản ánh chính xác số lao động đã qua đào tạo ở trường lớp. Hạn chế của chỉ tiêu này là phải chăng chỉ có trường lớp mới làm giàu kỹ năng cho người lao động và chỉ có lao động qua trường lớp mới đại diện cho chất lượng của nguồn lao động. Những người thợ cả, có kinh nghiệm làm việc 5-10 năm phải chăng kỹ năng không bằng một cậu phó nhỏ học nghề mộc 3 tháng? Những làng nghề nổi tiếng của Việt Nam với việc truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác- thí dụ như mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội) lại không bằng một khóa đào tạo nghề mây tre đan được cấp chứng chỉ tổ chức trong vòng 3-5 tháng? Ở đây có hai vấn đề. Một là nhấn mạnh việc chỉ những người có bằng cấp, chứng chỉ tức là phủ nhận truyền thống đào tạo qua truyền nghề, tập nghề, đào tạo tại nơi làm việc của nhiều dân tộc trên thế giới trong đó có Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Hai là có hơi hướng của việc sính bằng cấp. Bài học nghề nghiệp giúp bạn "gặt hái trái ngọt thành quả" và hạn chế sai lầm đáng tiếc https://kienthuc.net.vn/doanh-nghiep/9-bai-hoc-nghe-nghiep-nen-biet-truoc-khi-qua-muon-1116757.html Chính vì vậy, ILO cũng có bộ chỉ tiêu thứ hai là Tiêu chuẩn quốc tế về phân loại nghề nghiệp được hoàn thiện và công bố nhiều lần và lần công bố gần đây nhất là năm 2008. Bộ tiêu chuẩn này thường được biết đến như là ISCO-08 (International Standard Classification of Occupations). Theo bộ tiêu chuẩn này, lao động được chia thành các nhóm có kỹ năng cao, kỹ năng trung bình và không có kỹ năng. Với cách phân loại này đã khắc phục được hạn chế của việc phân loại lao động chỉ căn cứ vào bằng cấp mà họ đạt được, đã thừa nhận việc đào tạo tại nơi làm việc có vai trò quan trọng trong biến người lao động không lành nghề thành người lao động lành nghề, mà việc truyền nghề này diễn ra liên tục, phù hợp với việc xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của UNESCO là “Giáo dục phải được tiến hành và tiếp thu bằng nhiều cách khác nhau. Điều quan trọng không phải là học theo cách nào mà là học cái gì và học được cái gì”. Tất nhiên là hai bộ chỉ tiêu này bổ sung cho nhau và ILO cũng như các nước thành viên của ILO hiện nay vẫn đang sử dụng. Không có chỉ tiêu nào kết thúc sứ mệnh lịch sử cả .Việc học qua trường lớp là quan trọng vì ở đó các kinh nghiệm, kỹ năng đã được đúc kết thành chương trình đào tạo, thành bài giảng giúp cho việc hiểu biết lý thuyết và nâng cấp kỹ năng được nhanh hơn. Soi vào thực tiễn của Việt Nam, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung chính là tính tiêu chuẩn quốc tế về phân loại nghề nghiệp dưới tên gọi tỷ lệ lao động có kỹ năng từ trung bình trở lên vì đã tính đến cả số lao động qua đào tạo tại nơi làm việc. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ chính là tính theo chỉ tiêu số 14 về trình độ giáo dục cao nhất đạt được trong bộ chỉ tiêu về thị trường lao động. Vậy thì những bàn luận về tỷ lệ lao động qua đào tạo và tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ như những bàn luận vừa qua về bản chất là gì, thưa Thứ trưởng? Trước hết phải nói rằng chỉ tiêu lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đã được đề cập trong trong các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng. Luật thống kê năm 2015 ban hành kèm theo 186 chỉ tiêu quốc gia, trong đó có chỉ tiêu “tỷ lệ lao động đã qua đào tạo” (mã số 0203). Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016-2020) đưa ra mục tiêu: “Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt khoảng 65-70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%”. Nghị quyết số 48/2017/QH14 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018 đã đưa ra 12 chỉ tiêu kinh tế- xã hội, trong đó chỉ tiêu số 8 là “Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58% - 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 03 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 23% - 23,5%”. Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 ban hành theo Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011, Chiến lược phát triển giáo dục thời kỳ 2011- 2020 ban hành theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012, và Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011- 2020 ban hành theo Quyết định số 630 ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ cũng đưa ra các chỉ tiêu về lao động qua đào tạo. Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 2/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia có chỉ tiêu “tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo” do Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp. Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ hướng dẫn Luật Thống kê quy định người qua đào tạo gồm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là người đã được đào tạo ở một trường hay một cơ sở đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ 03 tháng trở lên và đã tốt nghiệp, đã được cấp bằng/chứng chỉ chứng nhận đạt một trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ nhất định, gồm sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp, đại học và trên đại học (thạc sỹ, tiến sỹ, tiến sỹ khoa học). Nhóm thứ hai là người chưa qua một trường lớp đào tạo nào nhưng do tự học, do được truyền nghề hoặc vừa làm vừa học nên họ đã có được kỹ năng, tay nghề, tương đương với bậc 1 của công nhân kỹ thuật có bằng/chứng chỉ cùng nghề và thực tế đã từng làm công việc này với thời gian từ 3 năm trở lên (hay còn gọi là công nhân kỹ thuật không bằng/chứng chỉ). Nhóm thứ nhất thì theo đúng cách phân loại lực lượng lao động theo chỉ tiêu số 14 trong Bộ chỉ tiêu cơ bản của thị trường lao động (KILM) theo hướng dẫn của ILO. Nhóm thứ hai thì theo đúng hướng dẫn trong Tiêu chuẩn quốc tế về phân loại nghề nghiệp – ISCO-08 cũng của ILO. Vì vậy có thể khẳng định rằng các chỉ tiêu tính toán của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế. Tôi nghe Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội báo cáo lại là Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, khi được hỏi về các tranh luận xung quanh các chỉ tiêu này đã đưa ra lời khuyên, Việt Nam với tư cách là một thành viên của ILO nên tuân thủ những hướng dẫn của ILO. Hướng dẫn của ILO là sử dụng cả hai chỉ tiêu, bổ sung cho nhau để đánh giá đúng chất lượng nguồn nhân lực và hiện nay chúng ta đang làm như vậy. Vậy thì đừng hốt hoảng khi thấy có những bình luận xung quanh việc phải kết liễu chỉ tiêu này hoặc chỉ dùng chỉ tiêu nọ. Quan điểm của cá nhân tôi, phù hợp với hướng dẫn của ILO là phải sử dụng đồng thời cả hai chỉ tiêu, tất nhiên có thể chỉnh sửa tên gọi cho phù hợp. Thưa Thứ trưởng, về độ tin cậy của chỉ tiêu lao động qua đào tạo, có ý kiến cho rằng các con số đưa ra là "bịa hoặc lừa thiên hạ". Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào? Có lẽ những người đưa ra ý kiến đó không phải là người trong cuộc và chưa tìm hiểu kỹ các chỉ tiêu này được tính toán và báo cáo như thế nào. Từ năm 2014, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao nhiệm vụ thu thập, tổng hợp chỉ tiêu “Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo”, và việc này Bộ giao Cục Việc làm thực hiện, không giao Viện Khoa học Lao động và Xã hội. Để tổng hợp tính toán chỉ tiêu này, Cục Việc làm dựa trên cơ sở Dữ liệu Cung lao động được cập nhật hằng năm do Cục Việc làm triển khai từ năm 2010 trở lại đây. Cơ sở dữ liệu cung lao động gồm có các thông tin cơ bản về nhân khẩu học, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục – đào tạo, tình trạng hoạt động kinh tế của người lao động, do Ủy ban Nhân dân cấp xã triển khai thu thập, cập nhật dữ liệu hàng năm và hiện có thông tin của 21 triệu hộ gia đình. Từ cơ sở dữ liệu cung lao động cho biết được chi tiết trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất mà người lao động đạt được, theo đó, tỷ lệ này qua các năm như sau: năm 2014 là 49,14%; năm 2015- 52,60%; năm 2016- 53,00%; năm 2017- 56,10% và ước tính năm 2018 là 58,60%. Như vậy, số liệu công bố về tỷ lệ lao động qua đào tạo là hoàn toàn có cơ sở, từ dữ liệu của 21 triệu hộ gia đình chứ không ai bịa ra số liệu này cả và không lừa thiên hạ. Nguồn: http://laodongxahoi.net/